Câu chuyện "vô cảm" nhưng thật nhiều cảm xúc #10 - Tâm sự làm đẹp - Dr.Phúc Đinh

 




Intro

Khi bạn khen một người phụ nữ rằng cô ấy thật đẹp/, ở một cách rất riêng của chính mình/, và nếu cô ấy tin bạn, bạn đã giúp được cô ấy giữ lại/ một can thiệp làm đẹp, một phẫu thuật thẩm mỹ/ không cần thiết…

Lời chào

Xin mến chào, kính chào, thân thương chào, quý vị khán thính giả, đây là “Tâm sự làm đẹp”; chương trình được phát sóng vào lúc 8h30 sáng thứ 2 trên các nền tảng âm thanh tại trang web tamsulamdep.vn và 1 ngày sau, vào tối thứ 3, trên kênh YouTube Dr.Phúc Đinh, vẫn là tâm sự làm đẹp; nhưng là phiên bản có hình ảnh; có phụ đề.

Mỗi tuần tui lại có may mắn, hạnh phúc, xúc cảm để đây gặp lại các bạn, để hàn thuyên, tâm sự, cùng nói với nhau các câu chuyện liên quan đến hành trình làm đẹp, rộng ra hơn nữa là chăm sóc và yêu thương bản thân mình. Mong là, ít nhiều, mỗi chúng ta ai cũng nhận được cho mình một câu chuyện, một thông điệp, một lời nhắc nhở nào đó.

Thực tế, một trong những mục đích rất lớn của tui khi làm chương trình này, đó là để mấy bạn nghe cho “đỡ buồn”; chữ đỡ buồn này tất nhiên nằm trong dấu ngoặc kép và đi với nhiều tầng nghĩa lắm nha, trước tiên chúng ta tạo được một sợi dây vô hình, gắn kế về mặt cảm xúc; tạo được cho nhau cái cảm giác không hề cô đơn, đặc biệt là trên hành trình này, đây thực ra cũng là hành trình hạnh phúc hah, ai đẹp xong cũng đều hạnh phúc mà.

Mỗi chúng ta ai cũng bận rộn, ai cũng có nhiều việc để làm, nhưng đâu đó mình vẫn tìm được đến nhau tại không gian này, đâu đó chừng 20-30 phút/1 tuần, để có được sự kết nối về mặt cảm xúc, đồng điệu về mặt tinh thần, thiệt sự đó là một niềm vui rất to lớn với tui rồi.

Đó là về mặt cảm xúc hah; còn lý trí một tí, gần đây tui có đọc một bài viết, tiện tui đưa vô bài hôm nay luôn, bài viết trên tạp chí “Psychology Today” với cái tựa đề là Story telling is neccessary for human survival; tui trích dẫn tên và nguồn ở đây để bạn này thích thú có thể tìm đọc kỹ hơn hah; tóm tắt cái bài này họ nói cái gì; đó là việc chia sẻ; tâm sự; kể chuyện luôn cần thiệt cho quá trình hình thành, tồn tại và phát triển của loài người. Thật vậy hah, mỗi chúng ta đều lớn lên từ các câu chuyện của bà, của mẹ và rồi sau đó khi đi học và khi trưởng thành tiếp nhận các câu chuyện từ sách vở, báo đài, vv đó là nguồn gốc sâu xa về sự phát triển của con người. Nên quay ngược lại, chúng ta ngồi đây cùng nhau, bên cạnh sự gắn kết về mặt cảm xúc; một cách lý trí và khoa học, khi tâm sự, kể chuyện, chia sẻ các thông điệp; ít nhiều cũng đang đi chung với cái dòng chảy kinh điển trên hành trình phát triển, từ trước tới nay.


Lời chúc

Trong tuần mới, tui mến chúc quý vị khán thính giả của Tâm sự làm đẹp luôn có tràn ngập, đầy ắp tình yêu thương thắm thiết cùng với sự kết nối, gắn kết với những người yêu thương xung quanh. Sự kết nối này đôi lúc không chỉ dừng lại ở những lời nói, mà cả ở những hành động luôn các bạn hah. 


Vô bài

Trong các tập trước, chúng ta đã cùng nhau đi hết hành trình làm đẹp, từ chuẩn bị tinh thần, đến các câu hỏi cho quá trình tư vấn với bác sĩ, trước can thiệp cần làm gì, hành trình bên trong phòng mổ và chăm sóc sau mổ như thế nào. Cơ bản đã gần như toàn vẹn bức tranh rồi hah. Hôm nay, chúng ta sẽ tô điểm thêm cho bức tranh này, chi tiết, cụ thể thêm một tí; đó chính là Câu chuyện “vô cảm”, cũng đâu đó trong các tập trước tui có nói, tui sẽ dành một tập riêng để nói về vấn đề gây tê gây tê hay gây mê, liên quan tới quy trình vô cảm này, hôm nay chúng sẽ cùng nhau tâm sự về vấn đề này hah. 

Đích đến ở mỗi tập Tâm sự làm đẹp cũng không gì khác, ngoài cái thông điệp đã đi cùng chúng ta xuyên suốt hành trình này, ai chưa biết thì bắt đầu sẽ biết, còn ai biết rồi thì nghe chơi cho zui, cho đỡ buồn, bà tám với nhau.  


Tổng quan

Trong các tập trước, chúng ta đã đề cập rất nhiều lần 2 chữ này rồi, gây mê và gây tê; nghe đến tập hôm nay ít nhiều mỗi chúng ta cũng có khái niệm tổng quan qua qua hah. Việc gây tê hay gây mê thực tế phần lớn dựa trên các nguyên tắc y khoa, nhưng ít nhiều cũng đến từ mong muốn của khách hàng. Và dù có là gì, trong xuyên suốt hành trình này, chúng ta luôn nhắc nhở nhau, nằm lòng cái câu thần chú, đi đúng nơi và gặp đúng người. Trong tập hôm nay, chúng ta sẽ đi sâu hơn, cụ thể hơn, về nội dung gọi là câu chuyện “vô cảm” để mỗi chúng ta có cái nhìn rõ ràng hơn, tổng quát hơn và chắc chắn sẽ giúp ích trong việc chuẩn bị cho hành trình làm đẹp của riêng mình. Và ngoài chữ gây tê và gây mê ra, hôm nay chúng ta cũng sẽ cùng nhau khám phá thêm một vài các chữ khác mơi mới, cũng liên quan tới quy trình “vô cảm” này luôn. 

Vô bài

Mỗi chúng ta, khi quyết định hoặc cần thiết phải thực hiện một phẫu thuật ngoại khoa nào đó nói chung, chứ không đơn thuần là phẫu thuật thẩm mỹ làm đẹp không, ai cũng biết mình sẽ cần phương pháp “vô cảm”, để chi? Ngắn gọn, súc tích, cho đỡ bị đau, ok hah. 

Chúng ta đều biết, đau là một giảm cảm giác của cơ thể người. Mình đi sâu hơn 1 tí khi nói về nội dung cảm giác này, cơ thể sinh học của chúng ta cơ bản sẽ chia ra làm 2 loại cảm giác; thứ nhất là cảm giác nông bản thể, wow, nghe thấy hơi trừu tượng hah, nó là gì, chính là cảm giác khi mình cảm nhận được nóng, lạnh, đau, rát, tê, các đụng chạm, vv nói chúng đó là các cảm giác về mặt vật lý; trên bề mặt da thịt của mình; thứ hai là cảm giác sâu, đó là các giác quan, sự nhận thức, ý thức, tỉnh hay mê, nhìn nhận quan sát vv  Khi nói tới phương pháp vô cảm, trong y khoa, là cụm từ nói về việc sử dụng thuốc, một cách nhất thời, ngắn hạn thôi, làm giảm hoặc lấy đi khả năng cảm giác của chúng ta; đích đến là gì, dù là cảm giác nông hay sâu gì đi nữa, đích đến cơ bản như chúng ta đã biết, là để giảm đau. 

Bên cạnh việc mang lại sự thoải mái và dễ chịu nhất cho hành trình phẫu thuật liên quan tới cơn đau; về mặt y khoa, việc giảm đau cũng đóng vai trò cực kỳ cực kỳ quan trọng luôn các bạn. Không biết có bạn khán thính giả nào của Tâm sự làm đẹp đã bao giờ nghe đến một câu chuyện, thực tế luôn, y văn sách vở cũng viết nhiều lắm, nếu mà đau quá cũng có thể dẫn tới tình trạng sốc, thậm chí trạng thái sốc này có thể ảnh hưởng đến tính mạng luôn; ngoài ra cơn đau còn làm thay đổi, gây rối loạn các hoạt động sinh lý bên trong cơ thể, có thể dẫn tới các hậu quả ảnh hưởng đến kết quả can thiệp sau cùng. 

Cho nên bằng mọi cách, việc giảm đau luôn nằm trong những gạch đầu dòng đầu tiên liên quan tới các can thiệp ngoại khoa nói chung, và tất nhiên, phẫu thuật thẩm mỹ cũng không ngoại lệ. Thực tế bên cạnh can thiệp vô cảm, gây tê hoặc gây mê, trong bài này xíu nữa mình có thêm vài thuật ngữ mới nữa; vô cảm các bác sĩ sẽ dùng kèm với các thuốc giảm đau khác, để có tác dụng hiệp đồng, có nghĩa là thêm vào, tương tác lẫn nhau để nâng cao hiệu quả sau cùng. Việc dùng thuốc giảm đau có thể trước, trong và sau khi phẫu thuật luôn hah. 

Và nói tới câu chuyện đau này, trong tập đầu tiên của Tâm sự làm đẹp, tui có chia sẻ với các bạn 1 cái Tip, bí quyết sao để đỡ đau nhất, đỡ đau thôi nhen, chứ nói ko đau là nói xạo, trong quá trình phẫu thuật.

Lịch sử

Ok quay lại câu chuyện phương pháp vô cảm, lịch sử ghi nhận việc nhân loại đã cố gắng sử dụng nhiều phương thức hướng đến mục đích vô cảm, giảm đau từ 4000 năm trước Công Nguyên rồi, ban đầu họ dựa vào việc sử dụng các loại lá, thảo dược, cây cỏ, vv. Ở Trung Quốc thời xa xưa, cũng ghi nhận phương pháp châm cứu, dù không phải là thuốc, nhưng cũng giúp ích cho việc giải quyết các vấn đề liên quan đến các cơn đau. Đến thời cận đại, một số cái viễn cảnh, tuy chúng ta nghĩ là chỉ có trên phim ảnh thôi, nghe thì rất là ngờ nghệch và ấu trĩ, nhưng thực tế các tài liệu cũng có đề cập đến, đó là việc sử dụng rượu, hoặc thậm chí dùng phương pháp cơ học: một cú Knock-out, đấm vô mặt, vô xương hàm hay sao đó, để bệnh nhân bị ngất đi, trước khi phẫu thuật

Tất nhiên, đến thời hiện đại, qua sự phát triển chung về mọi mặt, can thiệp vô cảm cũng phát triển theo, về cả quy trình, lẫn các loại thuốc và cách thức thực hiện, để đạt được hiệu quả tốt nhất.

Hôm nay chúng ta sẽ cùng nhau đi qua quy trình này, theo thứ tự bậc thang, từ đơn giản nhất và đi lên dần. 

Đầu tiên là gây tê tại chỗ, 

đọc tên dễ hiểu liền hah, là làm mất cảm giác, tác dụng tại một vị trí nhất định nào đó thôi. Đơn giản nhất trong mục gây tê tại chỗ này, ai cũng có thể làm được, nói vui vui kiểu trẻ trung 1 tí, thực tế ở ngoài thậm chí không phải nhân viên y tế cũng “quẩy” luôn, đó là bôi tê, ủ tê, hoặc có một số dạng xịt; ứng dụng phổ biến trước khi can thiệp các phương thức không xâm lấn, hoặc xâm lấn tối thiểu như là trưc khi bắn laser, tiêm chích Botox, filler hoặc là peels da, vv..phương thức này can thiệp ở lớp rất nông trên bề mặt da thôi, không có hiệu quả cho các can thiệp xâm lấn sâu hơn. Vậy khi sâu hơn thì cần gì, mình biết rồi hah, đó là chích thuốc tê. Trên bình diện y khoa, đây thực tế là phương thức đơn giản nhất, hầu như nhân viên y tế nào cũng có thể thực hiện được. Nói tới thuốc tê, mình tâm sự sâu hơn xíu vì nó cũng có giá trị cung cấp kiến thức, vì nhiều lúc mình cứ nghe chữ thuốc tê, mà không biết nó là cái gì. Thuốc tê hay được sử dụng phổ biến nhất hiện nay, tên nó là Lidocaine, nói cho mấy bạn biết nghe cho zui zậy thôi, chứ cũng không cần phải nhớ đâu hah, hoặc bạn nào có tò mò thắc mắc thì mình cũng có cái tên để tìm hiểu thêm, lidocaine, thuốc này chích vô tác dụng tê kéo dài đâu đó trong vòng trên dưới 1 giờ đồng hồ, ngoài ra còn có thuốc tên là marcaine, tác dụng kéo dài lâu hơn, trong nhiều giờ. Tất nhiên sẽ còn nhiều loại thuốc tê khác. Thực tế các loại thuốc tê thường được sử dụng đi kèm với 1 loại thuốc khác, với tác dụng hiệp đồng, chữ “hiệp đồng” này lúc nãy chúng ta nói ở trên rồi hah, nhằm tăng tác dụng, nâng cao hiệu quả sau cùng, thuốc đi kèm này tên là epinephrine, đây là một loại thuốc gây co mạch. Mấy bạn tưởng tượng cho dễ nè, mỗi vùng da thịt mình hiển nhiên có hệ thống mạch máu nuôi dưỡng bên dưới, khi sử dụng phức hợp tác dụng hiệp đồng này, lidocaine gây tê, tác dụng vô cảm, giúp chúng ta không đau đớn trong quá trình phẫu thuật, thì epinephrine giúp co mạch, hệ thống mạch máu bên dưới tưởng tượng như mấy ống nước cao su bên dưới vậy đó các bạn, thuốc này giúp mấy cái ống này co lại, làm cho lượng máu đến vùng này ít hơn, đồng nghĩa với khi phẫu thuật, mổ xẻ cũng ít chảy máu hơn. Mà các bạn biết đó, việc ít chảy máu có tác động rất rất tích cực, cả trong quá trình phẫu thuật và tránh rất nhiều rủi ro, các vấn đề có thể xảy ra sau khi mổ. Nhắc lại, vậy phức hợp này là tác dụng hiệp đồng, hah. Tất nhiên khi pha với nhau cũng có tỷ lệ nhất định, nhằm mang lại sự hiệu quả và hiển nhiên là an toàn.Hiện nay các sản phẩm thương mại họ đã pha sẵn hết rồi, tụi tui mấy bác sĩ thẩm mỹ hay dùng sản phẩm gọi là tê nha, là cái ống màu đỏ, thực tế là các nha sĩ họ hay dùng để chích trước khi nhổ răng, cái ống này cũng có thể sử dụng trong phẫu thuật thẩm mỹ luôn hah. 

Mở rộng

Trong tập 1 của chương trình Tâm sự làm đẹp, chúng ta cũng điểm qua một vài lưu ý về phẫu thuật, thế nào là đại phẫu và thế nào là tiểu phẫu, khi nào gây tê và gây mê. Hôm nay chúng ta đi chi tiết hơn một tí. Cụ thể với tiểu phẫu, các phẫu thuật phần lớn có thể thực hiện tại phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ, ví dụ như gì, cắt mắt hai mí, cắt da dư mi trên, tạo hình mi dưới, phẫu thuật nâng mũi, độn cằm, phần lớn các phẫu thuật ở vùng mặt vv vì sao gọi đây là tiểu phẫu, như cái tên của nó, đây được cân nhắc là một phẫu thuật nhỏ, đòi hỏi chỉ cần gây tê tại chỗ để thực hiện phẫu thuật, cụ thể là chích thuốc tê như chúng ta vừa đề cập. 

Tuy nhiên, cũng như phần giới thiệu của bài này, và cũng ở các tập trước chúng ta cũng đã nói qua, về câu chuyện chỉ định, chống chỉ định, giới hạn của phẫu thuật thẩm mỹ. Có một số phẫu thuật, tuy cân nhắc vẫn được coi là tiểu phẫu, như đã liệt kê ở trên, nhưng vẫn cần thực hiện tại bệnh viện, dù không cần can thiệp gây mê, mà vẫn chỉ là chích tê tại chỗ thôi. Đó là vấn đề liên quan tới chỉ định và chống chỉ định, hoặc thực tế đôi lúc theo mong muốn của khách hàng. Ngoài ra, một số trường hợp có những yếu tố nguy cơ, rủi ro, ví dụ như khách hàng có bệnh lý huyết áp, hoặc tim mạch, khách hàng lớn tuổi, vv có rất nhiều trường hợp, thì phẫu thuật cần được tại bệnh viện, vẫn là tiểu phẫu thôi, nhưng lúc này chúng ta có một môi trường, đầy đủ trang thiết bị hạ tầng hơn, có thêm các nhân sự, chuyên khoa, cụ thể ví dụ như tim mạch, hồi sức, cấp cứu, vv  để làm gì, dự phòng cho cái yếu tố nguy cơ và rủi ro đó, chẳng may nếu có gì, chúng ta có một êkip đội ngũ, chuyên khoa sâu, cộng với các máy móc hạ tầng trang thiết bị, để xử lý các tình huống nằm ngoài lĩnh vực chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ, một cách tốt nhất, các bạn hah. 

Đến đây cũng là cơ hội để chúng ta nhắc nhở nhau câu thần chú, đi đúng nơi, gặp đúng người. Đúng nơi hay đúng người mục đích sau cùng là gì, trước tiên chính là sự an toàn cho chúng ta, như tui vẫn hay nói, an toàn trước đã rồi mới nói tới chuyện làm đẹp hay sao đó tính sau. Việc chúng ta đúng nơi, gặp đúng người để đảm bảo đúng cái quy trình, trước tiên là chăm sóc, đảm bảo an toàn về mặt sức khoẻ. Có nhiều khán thính giả cũng thắc mắc, trong tập hôm nay cũng là cơ hội để chúng ta làm rõ hơn cùng nhau. Việc đến đúng nơi, cơ bản từ phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ đến bệnh viện thẩm mỹ hoặc khoa thẩm mỹ của một bệnh viện đa khoa, với một số phẫu thuật đại phẫu; bắt buộc, tui nhấn mạnh chữ bắt buộc hah, bắt buộc phải thực hiện ở bệnh viện vì quy trình đòi hỏi phải gây mê; nhưng một số trường hợp cũng cần thực hiện tại bệnh viện, dù không gây mê, mà chỉ chích thuốc tê thôi, vì vấn đề an toàn cho chúng ta, để dự phòng, luôn có nhân sự chuyên môn cùng các phương tiện xử trí cho các vấn đề rủi ro, nguy cơ về mặt sức khoẻ. Còn qua quá trình tư vấn, thăm khám, xét nghiệm, nếu mọi thứ ok hết, và cần thực hiện các phẫu thuật tiểu phẫu, chích thuốc tê thôi, hoàn toàn có thể thực hiện tại phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ. Hoặc một số khách hàng, tuy mọi thứ ok hết, nhưng họ vẫn nằng nặc nói với bác sĩ rằng họ muốn thực hiện phẫu thuật tại bệnh viện cho an tâm, thì cũng hoàn toàn ok, không sao hết, thậm chí quá tốt luôn. 

Đó là xong gạch đầu dòng đơn giản nhất, tê tại chỗ. 

Giờ đến nấc thang thứ 2

Từ này có vẻ hơi lạ với đa số mỗi chúng ta, gây tê vùng. Y khoa tụi tui có cái thuật ngữ nghe cũng rất lùng bùng lỗ tai luôn, đó là phong bế thần kinh, mấy bạn nghe cho biết thôi hah. Các bạn tưởng tượng hệ thống thần kinh chi phối nó cũng như nhánh cây vậy đó, có các nhánh đến những khu vực nhất định trên cơ thể để chi phối từng vùng riêng biệt, từ sâu đến nông, cả cảm giác và vận động. Nói về can thiệp vô cảm, chủ yếu hướng đến cảm giác thôi hah. Ở gạch đầu dòng trước chúng ta nói tới gây tê tại chỗ, là làm mất cảm giác tại 1 địa hạt, 1 nhánh thần kinh nào đó chi phối cảm giác tại 1 khu vực nhất định thôi, ví dụ như mí trên, mí dưới, sống mũi, đầu mũi, vv Còn nói đến gây tê vùng này là can thiệp vào một vùng thần kinh chi phối luôn, hình ảnh nhánh cây thì can thiệp dần vô thân lớn, nhánh lớn gồm nhiều nhánh nhỏ luôn. Cụ thể trong phẫu thuật thẩm mỹ, đôi lúc các bác sĩ thực hiện gây tê vùng khi phẫu thuật mũi, phổ biến hơn là phẫu thuật cằm. Tức là khi chích thuốc tê vô một điểm, chúng ta thấy tê hết cả một vùng muôn, ví dụ nguyên phần dưới mặt, hoặc hết cả vùng môi dưới hoặc vùng hàm tê hết luôn. Đó gọi là tê vùng. Phương pháp này phổ biết hơn cho các can thiệp phẫu thuật hàm mặt và đặc biệt là phẫu thuật tạo hình. Thế nào là tạo hình và thế nào là thẩm mỹ, trong tập 1 chúng ta cũng đã tâm sự cùng nhau cụ thể rồi, sau tập này mình có thể tua lại để nắm rõ hơn chi tiết hah.  Quay lại với gây tê vùng, ứng dụng nhiều trong can thiệp tạo hình, đặc biệt là ở vùng chi thể, chi thể là tay hoặc chân; để tái tạo hoặc che phủ các khuyết hổng từ các sang thương, chấn thương. Can thiệp tê vùng ở chi thể cần thực hiện dưới siêu âm, qua đường tĩnh mạch, bởi nhân viên y tế chuyên khoa gây mê hồi sức; bên cạnh đó có sử dụng Garo để thắt cái vùng can thiệp lại; để thuốc tê không bị lan ra các vùng khác, đặc biệt là quay ngược về não. Hoặc bạn nào đâu đó có nghe mấy thuật ngữ gây tê tuỷ sống, gây tê ngoài màng cứng, gây tê đám rối cánh tay,vv chính là các ví dụ của gây tê vùng này hah. Ở đây mình liệt kê tên ra cho biết vậy thôi hah, chứ đi sâu vô nữa thực tế là chuyên khoa của ngành gây mê hồi sức rồi.

Ok, nấc thang tiếp theo,

chắc nhiều bạn cũng nghe loáng thoáng đâu đó rồi, nhưng hôm nay từ này tui mới nhắc lần đầu tiên trong chương trình Tâm sự làm đẹp, đó là “tiền mê”. Tới nấc thang này là tới cảm giác sâu rồi, bắt đầu tác động tới ý thức rồi hah. Ở Mỹ thì can thiệp tiền mê này có thể thực hiện tại các Clinic, do hình thức quản lý y tế thôi. Tại các clinic, phòng khám, họ có bác sĩ gây mê hồi sức và các máy móc hỗ trợ; nên họ được phép thực hiện quy trình tiền mê này một cách an toàn. Ngay cả ở Manila, Philippines, một đất nước láng giềng với chúng ta, thời tui có tham gia chương trình đào tạo hơn 3 tháng ở đó, tại các phòng khám họ cũng thực hiện tiền mê luôn. Nhưng tại Việt Nam, việc thực hiện tiền mê phần lớn, yêu cầu phải thực hiện tại bệnh viện, nhắc lại, tới nấc này phải yêu cầu phải thực hiện tại bệnh viện. Vì một lần nữa, ở đây có anh bác sĩ chuyên khoa gây mê hồi sức, đã tác động tới cảm giác sâu, ý thức rồi là chuyên khoa của anh này rồi. Giới thiệu về anh này chúng ta cũng nói nhiều qua các tập trước rồi, hah, anh này cũng không còn xa lạ gì với mỗi chúng ta nữa. Hiện tại lúc tui đang thu cái podcast này thì việc tiền mê cần được thực hiện tại bệnh viện, còn sau này khi hạ tầng cơ sở, con người đầy đủ, cơ quan quản lý nhà nước có cho phép thực hiện tiền mê tại phòng khám luôn hay không, đó là chuyện của sau này hah, hiện tại thì chưa.  Quanh đi quẩn lại, cái việc thực hiện ở đâu, có ai; cùng cái câu thần chú đi đúng nơi gặp đúng người cũng đưa lên trên hết chính là sự an toàn cho mỗi chúng ta, thực tế cho khách hàng đi làm đẹp và cũng để bảo vệ cho cả bác sĩ thẩm mỹ nữa. Các bạn biết đó, mỗi bác sĩ chỉ thực hiện nghiệp vụ y khoa liên quan đến chuyên ngành, chuyên khoa sâu của họ thôi, chứ không thể làm hết mọi thứ được, trong tập đầu tiên chúng ta cũng nói vấn đề này rồi hah. Rồi, xa xôi nãy giờ để nhắc nhở câu chuyện an toàn, đi đúng nơi gặp đúng người, giờ quay ngược lại vấn đề chính, tiền mê là gì. 

Trong tập câu chuyện xảy ra bên trong phòng mổ, 

chúng ta cũng có nói về hành trình từ khi từ bên ngoài đến khi vô phòng mổ và đến khi ra về rồi hah, không có gì phải sợ hết. Ở tập đó chúng ta cũng có nói đến đến một chi tiết, trước khi phẫu thuật, mỗi một khách hàng sẽ được đặt một đường truyền, có thể để truyền dịch, bù năng lượng, điện giải, giảm đau,vv. Hiện nay, phần lớn cho phương pháp tiền mê mình đang cùng nhau nói đến, cũng được thực hiện qua đường truyền này. Và một yếu tố cũng rất quan trọng, người thực hiện việc này, là anh bác sĩ gây mê của chúng ta, nha, cân chỉnh liều lượng, đong đếm cách thức ra sao, theo dõi thế nào đó là chuyên ngành của mấy ảnh; sau khi mấy ảnh xử lý, sẽ tạo ra một cái hiệu ứng cảm giác, tiếng anh gọi là “Twilight effect”; một dạng mơ màng, nửa mê nửa tỉnh, mọi người vẫn hay so sánh với  cái trạng thái, bạn còn đang “say ke” lúc mới ngủ dậy, hoặc nằm lơ mơ không biết nên ngủ nướng thêm hay dậy hẳn, tỉnh cũng chưa tỉnh hẳn, mà ngủ cũng không phải ngủ hẳn, đôi lúc có thể là một giấc ngủ nông. Đó gọi là tiền mê. 

Nói tới tiền mê phần lớn dành cho các can thiệp tiểu phẫu mà khách hàng quá sợ, quá lo lắng, dù các chỉ số xét nghiệm sinh học nằm ở mức bình thường, khoẻ mạnh. Nhiều người thậm chí họ tự tìm hiểu và họ đề xuất với bác sĩ luôn, bác ơi bác cho em làm tiền mê nha. Tất nhiên, với đề xuất này, phẫu thuật cần phải thực hiện ở bệnh viện hah. Bên cạnh đó một số can thiệp cần tiền mê phổ biến hay gặp đó là phẫu thuật nâng mũi cấu trúc, khi đi vào các cấu trúc sâu bên trong như sụn vách ngăn, vv cần tiền mê, hoặc thậm chí thêm một nấc nữa là gây mê luôn, tí nữa mình nói nấc đó. 

Tiền mê được xem làm một can thiệp vô cảm tương đối linh động, 

vì anh bác sĩ gây mê ảnh có thể căn chỉnh liều, điều chỉnh mức độ để kiểm soát cái trạng thái Twilight effect nói trên hah. Nếu phẫu thuật lâu hơn cần ngủ thêm hoặc nhanh hơn thì cho tỉnh dần, phụ thuộc vào liều lượng can thiệp. Và tất nhiên cái gì liên quan tới liều lượng nó cũng có những mặt trái của nó, nói ra để chúng ta nắm thông tin hah, nếu tiền mê sâu quá cũng có những rủi ro liên quan, nhẹ có thể là buồn nôn hoặc nôn, tăng dần liên quan đến chức năng hô hấp, tim mạch, đặc biệt tình trạng tụt huyết áp thậm chí dẫn đến trụy tim mạch, đe doạ tính mạng. Thông tin ở đây mình biết để nắm thôi, chứ hong phải là hù doạ nhau, hen, quay lại với câu chuyện đi đúng nơi, gặp đúng người, cơ bản không có gì phải lo lắng hết, vì việc này có anh bác sĩ chuyên khoa ảnh lo rồi, còn nếu mà anh nào khác ảnh làm tiền mê thì mình cũng biết các rủi ro, nguy cơ có thể xảy ra là gì. 

Và nấc thang cuối cùng, 

cũng là can thiệp sâu nhất của phương pháp vô cảm, đến đây ai cũng biết rồi hah, đó là gây mê. Phương thức này tác động sâu nhất vào ý thức, đưa bệnh nhân đi vào giấc ngủ sâu luôn, bên cạnh đó cần sự hỗ trợ của máy thở. Cũng quay lại tập câu chuyện bên trong phòng mổ, mình đã tâm sự cho nhau nghe bên trong phòng sẽ thế nào, có ai, có những gì, sẽ cái có cái máy thở này, máy này hỗ trợ quá trình hít thở hô hấp trong khi gây mê. 

Ngày xưa dân gian hay có cái cụm từ “chụp thuốc mê”, phim ảnh cũng có những cái đoạn như vậy, ít nhiều cũng gây ra những cái lo lắng, sợ hãi. Nhưng thực tế không phải vậy, trong tập trước tui cũng có đề cập, anh bác sĩ gây mê luôn giúp khách hàng đi vào giấc ngủ một cách nhẹ nhàng, từ từ nhất, thông thường cũng qua đường truyền tĩnh mạch như trên, sau đó có một dụng cụ chuyên dụng, gọi là ống thở, có thể đưa qua đường miệng hoặc đường mũi, gắn với cái máy thở trên để hỗ trợ quá trình hít thở hah, và quá trình gây mê sẽ được duy trì bởi khí ga đi qua cái ống thở này, với liều lượng duy trì cho bệnh nhân ngủ một thoải mái và dễ chịu nhất. Tập trước mình cũng đã đề cập, sẽ có cái máy Monitor để theo dõi các chỉ số sức khoẻ trong quá trình này hah. 

Phẫu thuật gây mê, bắt buộc phải thực hiện ở bệnh viện,

 trong ngành thẩm mỹ cho các đại phẫu như nâng ngực, cắt mỡ bụng, nâng mũi sử dụng sụn sườn, gọt hàm, vv đó là các chỉ định tuyệt đối, còn lại một số chỉ định tương đối khác như bệnh nhân quá lo lắng, thậm chí không muốn tiền mê mà muốn gây mê để ngủ luôn. Thực tế gây mê là phương thức bệnh nhân không cảm nhận vấn đề gì liên quan đến đau đớn hết, và cũng giảm thiểu các cái rủi ro liên quan về tiền mê, ví dụ như luôn có ống thở để kiểm soát tốt hít thở và hô hấp, hoặc các vấn đề liên quan đến tim mạch như huyết áp cũng có thể kiểm soát thuận lợi hơn. 

Nhiều người nghe đến gây mê có thể sẽ sợ, có thể từ báo đài, phim ảnh, vv nhưng thực tế đây được xem như là một phương thức can thiệp vô cảm an rất an toàn, đặc biệt cho những ai có thể trạng sức khoẻ tốt, các chỉ số, thông số nằm trong giới hạn ổn định. Điều duy nhất từ quá trình gây mê này đó là thời gian hồi tỉnh thường sẽ kéo dài hơn so với các phương pháp ở bậc thang bên dưới, nhưng trong quá trình này vẫn luôn có nhân viên y tế bên cạnh, theo dõi và chăm sóc cho đến khi mọi thứ ok, ổn hết, phần này chúng ta cũng nói trong tập câu chuyện phòng mổ rồi hen. 

Tổng kết

Ok, chúng ta cũng đã đi hết các nấc thang trong câu chuyện vô cảm rồi hah. Vậy với các lựa chọn trên mình cần lựa chọn gì, cân nhắc ra sao. Ít nhiều chúng ta cũng có các thông tin để nắm rồi hen, tất nhiên mọi thứ để đi xuyên suốt theo hành trình làm đẹp mà mình đã cũng nhau tâm sự, từ việc chuẩn bị tinh thần, biết mình thật sự muốn gì, đến việc chuẩn bị cho quá trình tư vấn với bác sĩ ra sao, chuẩn bị trước mổ cần gì, và cũng không có gì phải quá sợ hãi vì cũng biết câu chuyện bên trong phòng mổ thế nào và chăm sóc sau mổ ra sao rồi hah. Lựa chọn phương pháp vô cảm là vấn đề bạn có thể tương tác với bác sĩ trong quá trình tư vấn, một số phẫu thuật có chỉ định can thiệp bắt buộc phải can thiệp thế nào và thực hiện phẫu thuật ở đâu, tuy nhiên cũng có một số can thiệp có thể linh động, đích đến sau cùng là gì, chúng ta đều biết, trước tiên là sự an toàn cho mỗi chúng ta, cho cả khách hàng và các bác sĩ, tiếp đến hành trình làm đẹp cơ bản an toàn rồi thì mình hướng đến sự thoải mái, dễ chịu nhất và tất nhiên, cuối cùng là mong muốn kết quả thẩm mỹ hài lòng, vui vẻ, hạnh phúc, một lần nữa cho cả bạn và cả bác sĩ luôn hah. 

Nội dung tập hôm nay đến đây là hết, rất mong các bạn có những giây phút thoải mái, tiếp nhận được thêm cho mình các thông tin hữu ích, giá trị cho hành trình làm đẹp và yêu thương chăm sóc bản thân mình. Cũng đừng quên chia sẻ chương trình này với những người thân, người thương, người mến, xung quanh mỗi chúng ta, vì biết đâu được đây cũng là các thông tin mà họ đang cần, đang tìm kiếm, hoặc đơn thuần là nghe cho zui, tám chiện chung zới chúng ta hah.

Một lần nữa, xin cảm ơn quý khán thính giả đã lắng nghe và hẹn gặp lại các bạn trong tập tiếp theo